Sơn ta – giá trị nghệ thuật xưa nhưng không cũ


By LAM Beauty & More

Đăng ngày 10.01.2024

Trong lịch sử nghìn năm sơn ta – trăm năm sơn mài, câu chuyện của sơn ta là câu chuyện về sống chậm đầy tính triết lý của nghệ thuật và tâm hồn Việt Nam. Suốt dọc chiều dài lịch sử, sơn ta – sơn mài bền bỉ truyền tải giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Trong lịch sử nghìn năm sơn ta – trăm năm sơn mài, câu chuyện của sơn ta là câu chuyện về sống chậm đầy tính triết lý của nghệ thuật và tâm hồn Việt Nam. Suốt dọc chiều dài lịch sử, sơn ta – sơn mài bền bỉ truyền tải giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Trước hết, cần khẳng định sơn ta cũng chính là sơn mài, nhưng sơn ta không chỉ có sơn mài. Sơn ta có nguồn gốc lâu đời, nó còn được gọi là sơn sống, là chất nhựa lấy từ cây sơn sau đó pha với các bột màu tự nhiên để vẽ. Để lấy nhựa sơn người ta phải thức dậy từ sớm trước khi mặt trời mọc bằng cách cứa vào vỏ cây cho chảy nhựa, đến khi mặt trời vừa ló thì cây sơn không tiết nhựa nữa. Ước tính, để có được 1kg nhựa sơn thì phải lấy từ khoảng 300 cây sơn. Ưu việt của sơn ta có thể kể đến là nó có độ dính cao, khi sơn khô thì rất bền, không thấm nước, không bị mối mọt, chịu được axít và nước biển, chịu nhiệt cao. Sơn ta tuy cứng nhưng lại có độ dẻo. Khi bị tác động vẫn bám chắc, không bong tróc, rạn vỡ. Mặt sơn dễ mài phẳng, có độ trong, bóng cao giúp tôn màu sắc trở nên sâu thẳm và bền màu. Cái độc đáo của sơn ta là pha với nước hay dầu đều được, và dùng càng lâu thì càng lên “màu thời gian” rất đẹp.

Trước năm 1925, công dụng của sơn ta cũng giống như sơn Tàu và sơn Nhật, chỉ có tác dụng làm tôn lên vẻ đẹp lộng lẫy hứa hẹn một đời sống giàu sang, vương giả cho những vật dụng thường ngày như hộp, tráp, cơi trầu, bàn ghế ; sơn son, thếp vàng trên các bức tượng trong đình chùa, trên hoành phi, câu đối,… với những màu sắc truyền thống như son, đen, nâu, cánh gián, vàng, bạc. Hãy thử hình dung những bức tượng nếu tước bỏ đi lớp áo sơn ta sang trọng liệu còn giữ nguyên hiệu quả thẩm mỹ. Trước khi sơn ta được đưa vào sáng tác hội họa thì sơn ta đã từng có địa vị nghệ thuật vững chắc trên cơ sở kết hợp chất liệu với kiến trúc và điêu khắc.

Khoảng sau năm 1925, từ sự tìm tòi phát triển của các họa sĩ tiên phong ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sơn ta dùng để sáng tác tranh sơn mài, tức dùng kỹ thuật mài ra hình sau khi làm những lớp màu chìm, trở thành nghệ thuật hội họa khá độc đáo của Việt Nam. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên thành bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc nhằm tô vẽ cho đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt tâm hồn người nghệ sĩ.

Sơn ta – sơn mài truyền thống kết hợp với vỏ trai, vỏ trứng, vàng bạc thật và nhiều màu, chất liệu khác tạo vẻ đẹp lung linh, huyền ảo cho các tác phẩm hội họa mà không chất liệu nào sánh được. Ngày nay, nhiều họa sĩ thay sơn ta bằng sơn Nhật, thao tác cơ bản cũng bao gồm có sơn và mài như cách vẽ sơn ta, cũng tạo nên hiệu quả lộ màu phía dưới, nhưng tịt và lì màu, không có chiều sâu như chất sơn ta. Dùng sơn Nhật chỉ thỏa mãn nhu cầu tức thời, nó rất nhanh phai màu, bong tróc… Tranh sơn mài dùng sơn ta vẫn được ưa chuộng hơn vì sự công phu trong quá trình làm tranh và khi nhìn, nó tạo độ sâu cho bức tranh hơn. Quan trọng hơn hết, sơn Nhật không phải là tiếng nói của tranh sơn mài Việt Nam.

Tranh “Thiếu nữ và trăng” của họa sĩ Vũ Tuấn Dũng

Mang trong mình tinh hoa của nghệ thuật dân tộc nhưng hiện nay sơn ta có chiều hướng mai một khi sơn công nghiệp được nhiều họa sĩ sử dụng thay thế vì lợi nhuận và vì sơn ta thực sự kén người vẽ lẫn người thưởng thức. Trước thực trạng ấy, vẫn có những họa sĩ tâm huyết vẽ sơn ta theo phương thức truyền thống, họ tập hợp nhau lại thành Nhóm họa sĩ sơn ta. Trên tinh thần đoàn kết, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các thành viên, nhóm tổ chức trưng bày triển lãm những tác phẩm hội họa chất liệu sơn ta nhằm kế thừa, phát huy thành tựu nghề sơn của các thế hệ họa sĩ đi trước, góp thêm tiếng nói khẳng định những giá trị độc đáo của tranh sơn mài Việt Nam. Thành lập từ 2013, tuy chỉ hoạt động trong phạm vi thành phố Hà Nội, nhóm đã có 4 triển lãm chung với hàng trăm tác phẩm trưng bày tại Hà Nội. Đây thực sự là một tổ chức chuyên môn có uy tín, tích cực hoạt động sáng tạo mỹ thuật và góp phần quảng bá rộng rãi các giá trị nghệ thuật truyền thống đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Nhóm họa sĩ sơn ta của Hà Nội

Nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam mới có gần 100 năm nay, nghĩa là nó đang phát triển và hoàn toàn có thể trở thành một giá trị Việt. Hãy nghĩ về một ngày không xa khi sơn ta được nghiên cứu đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản và sử dụng trên quy mô công nghiệp để nó có được tính phổ biến cao, tạo ra tác phẩm sơn mài độc đáo. Nghệ thuật chân chính thì vẫn luôn phải giữ được nét truyền thống tinh túy, tuy giản dị như chính cái tên của nó – Sơn ta./.